Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2011

Sông Hồng đổi màu


Mực nước sông Hồng suy giảm đáng kể, một lượng phù sa bị các đập thủy điện trên thượng nguồn giữ lại khiến nước sông không còn giữ được màu đặc trưng, nhiều hệ lụy tiêu cực đã xuất hiện.
 
Nước sông Hồng đoạn chảy qua TP Lào Cai đổi màu bất thường - ảnh: Cao Hồng
Gần đây, nước trên sông Hồng đoạn chảy qua TP Lào Cai biến đổi khác thường, màu trong xanh và có mùi lạ. Cơ quan hữu trách địa phương đã tiến hành khảo sát dọc theo sông Hồng từ TP Lào Cai lên đến thượng nguồn, thuộc xã A Mú Sung (H.Bát Xát) - điểm đầu tiên sông Hồng từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) chảy vào VN. Tại vị trí cách Trạm biên phòng A Mú Sung 10 km xuôi về phía hạ lưu, trên bãi bồi ven sông bắt đầu xuất hiện các vệt bùn xám có mùi tanh. Ngoài ra, nhiều điểm dọc tuyến sông xuất hiện bột trắng khô, trong nước có dịch nhầy và xơ bã thực vật.
Gần đây nhất, sáng 24.2, nước sông Hồng chảy qua TP Lào Cai tiếp tục có sự biến đổi bất thường, chuyển toàn bộ sang màu vàng sáng, mực nước tăng và lưu lượng dòng chảy lớn hơn trước. Quan sát những bức ảnh do các PV chụp, TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban Phản biện xã hội (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN) nhận định, màu nước sông Hồng bất thường như vậy nhiều khả năng do chịu ảnh hưởng của việc xả thải từ hoạt động khai khoáng phía thượng nguồn gây ra và không loại trừ có các yếu tố gây độc.
Trước diễn biến bất thường trên, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Lào Cai đã tiến hành lấy các mẫu nước phân tích, truy tìm nguyên nhân. Kết quả cho thấy, mẫu phân tích ngày 23.1 chỉ tiêu COD, BOD5 có hàm lượng vượt so với QCVN 08:2008/BTNMT cột A1 là 1,03 và 1,25 lần. 8 mẫu lấy từ ngày 7-19.2, hàm lượng COD, BOD5 có xu hướng tăng, riêng ngày 18.2 hàm lượng COD vượt tới 2,7 lần. Kết quả phân tích chỉ tiêu TSS mẫu nước ngày 24.2 là 2.160 mg/l, tương đương với 2,16 kg/m3, so với QCVN 08:2008/BTNMT cột B2 tăng hơn 20 lần so với tiêu chuẩn. Nguyên nhân có thể do các đập đầu nguồn tháo nước, xả đáy làm cho dòng nước lưu thông tăng, thành phần nước có chứa nhiều hàm lượng cặn lơ lửng...
Theo sở này, rà soát các cơ sở sản xuất dọc theo sông Hồng từ xã A Mú Sung đến TP Lào Cai chỉ có duy nhất nhà máy tuyển đồng Sin Quyền hiện đang hoạt động. Tuy nhiên, nhà máy này không xả nước thải ra sông Hồng vì toàn bộ nước thải được sử dụng tuần hoàn nên có thể khẳng định nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nước sông bị đổi màu không phải do các cơ sở sản xuất trong tỉnh gây ra mà do tác động từ bên ngoài.
Thiếu hụt phù sa
Các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Hồng chính là một trong những nguyên nhân làm giảm lượng phù sa vốn rất màu mỡ vun bồi cho phía hạ du, thuộc lãnh thổ nước ta
Sở TN-MT Lào Cai nhận định, ngoài các yếu tố như lượng mưa thiếu hụt nghiêm trọng, việc xây dựng các công trình thủy điện phía thượng nguồn các sông, suối là một trong những nguyên nhân làm cho mực nước sông suối nói chung và sông Hồng xuống thấp. Việc điều tiết tích nước, xả nước đã làm mực nước giảm đáng kể, lượng phù sa trong nước được giữ lại tại các đập chắn cho nên nước sông Hồng không còn màu đặc trưng.
Phần diện tích lưu vực sông Hồng thuộc Trung Quốc chiếm khoảng 48% toàn bộ diện tích lưu vực sông, trên phần diện tích này hình thành 5 nhánh trước khi chảy về các sông Đà, Thao và Lô Gâm của VN. Theo Bộ TN-MT, hiện nay trên dòng chính các sông Đà, sông Lô, Trung Quốc đã hoàn thành hoặc đang xây dựng 20 công trình thủy điện. Đến nay, về cơ bản, Trung Quốc đã khai thác hầu hết các bậc thang thủy điện lớn ở thượng nguồn sông Đà: đã vận hành 8 nhà máy, với tổng dung tích hồ chứa trên 2 tỉ m3, công suất lắp máy gần 1,7 nghìn MW và chỉ với khoảng 70 km kể từ biên giới, đã có 3 nhà máy thủy điện đang vận hành.
Các nhà khoa học cho rằng, các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Hồng chính là một trong những nguyên nhân làm giảm lượng phù sa vốn rất màu mỡ vun bồi cho phía hạ du, thuộc lãnh thổ nước ta. Ông Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước VN lưu ý, dòng chảy sông Hồng những năm gần đây có nhiều biến động lớn về số lượng, chất lượng nước. “Tình trạng phù sa giảm đi rất nhiều, một phần do biến động từ phía thượng nguồn, nhưng vẫn chưa có điều tra khảo sát nào do khó đo đạc phía bên kia biên giới, vẫn phụ thuộc vào kết quả đo đạc trực tiếp ở phía VN”, ông Giang nói.
Theo TS Nguyễn Đình Hòe, xây đập trên thượng nguồn thì đương nhiên một lượng phù sa nhất định sẽ bị giữ lại. “Xây đập, phù sa lắng trên thượng nguồn, nước sông Hồng chảy về hạ du mất dần lượng cát và phù sa, không chỉ các bãi bồi nơi cửa sông và ven biển bị xói lở mà đất đai vùng đồng bằng sông Hồng ngày càng kém màu mỡ”, ông Hòe nói.
 
Bản đồ dòng chảy sông Hồng
Nguy cơ sông Hồng biến thành sông Tô Lịch
Sở TN-MT Lào Cai kiến nghị UBND tỉnh Lào Cai cần bổ sung chương trình hợp tác với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc về vấn đề bảo vệ MT. Sở cũng đề nghị Bộ TN-MT tạo điều kiện cho Lào Cai được tham gia một số dự án quốc tế về bảo vệ MT, tiếp tục hỗ trợ trang thiết bị và đào tạo để tăng cường năng lực cho Trung tâm Quan trắc MT Lào Cai có khả năng đảm nhiệm nhiệm vụ kiểm soát ô nhiễm xuyên biên giới.
TS Nguyễn Đình Hòe cho rằng, chúng ta cần có những đàm phán tích cực để Trung Quốc chia sẻ hợp lý nguồn tài nguyên nước sông Hồng.
Q.D
Những năm gần đây, mực nước sông Hồng luôn ở mức thấp, đặc biệt các “kỷ lục” mực nước thấp nhất tại Hà Nội đã liên tiếp bị xô đổ và kỷ lục mới nhất được xác lập vào năm 2010 với mức 0,1m, mức thấp nhất từ trước đến nay. Khi đó, những người buôn bán đã có thể quẩy gánh hàng lội bộ qua sông Hồng một cách dễ dàng. Nguyên nhân, theo TS Nguyễn Lan Châu, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, ngoài khô hạn diễn ra ngày càng gay gắt, nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng, tình trạng chặt phá rừng…, thì một trong những nguyên nhân được nhiều người nhắc đến là chịu ảnh hưởng từ việc vận hành các hồ thủy điện trên thượng nguồn. Ông Giang cũng cho rằng, việc xây các đập thủy điện trên thượng du đã ảnh hưởng nhiều đến hạ du, lượng nước không đủ khiến khô kiệt sông Hồng nặng nề hơn.
Các số liệu thủy văn quan trắc được trong thời gian qua phần nào chứng minh cho các nhận định trên. Từ tháng 11.2009 đến tháng 4.2010, dòng chảy sông Hồng (trên dòng chính và các sông nhánh từ thượng nguồn đến hạ du) đã liên tục suy giảm và xuất hiện những trị số thấp nhất lịch sử trong chuỗi số liệu quan trắc cùng kỳ của hơn 100 năm qua (mực nước nhỏ nhất từ 76 - 10 cm so với 176 - 80 cm ở thời kỳ từ năm 2008 trở về trước). Theo số liệu đo đạc tại một số trạm thủy văn trong mùa khô 2009 - 2010, dòng chảy từ Trung Quốc vào Việt Nam trên cả 3 nhánh sông Đà, Thao, Lô đều ở mức thấp nhất trong lịch sử. Đặc biệt là trên sông Thao và sông Lô, mực nước, lưu lượng tại các trạm thượng nguồn sát biên giới đều ở mức rất thấp, kéo dài trong nhiều ngày, trong nhiều tháng và xuất hiện nhiều trị số thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc.
Trao đổi với Thanh Niên, TS Hòe đã cảnh báo, lượng nước thiếu hụt, dòng chảy suy kiệt sẽ khiến sông Hồng đứng trước nguy cơ vào mùa khô sẽ biến thành sông Tô Lịch nếu chúng ta không làm tốt công tác bảo vệ nguồn nước, ngăn chặn tình trạng xả thải làm gia tăng mức độ ô nhiễm. “Dòng chảy suy kiệt, khả năng tự làm sạch của dòng sông sẽ dần biến mất tùy theo mức độ. Nếu không bảo vệ môi trường tốt hơn, chúng ta sẽ phải trả giá”, ông Hòe nói.
 
Mực nước sông Hồng tại Hà Nội đo được trongmùa khô 2009 - 2010 xuống thấp nhất trong hơn 100 năm qua - ảnh: Ngọc Thắng
Quang Duẩn - Mai Hà

1 nhận xét: