Bạc Liêu có vườn nhãn cổ rộng cả trăm hecta chạy dọc ven biển, trái thơm ngon nổi tiếng khắp vùng. Ẩu sâu trong khu vườn nhãn này còn có một cây xoài hơn 300 tuổi, được xem là cây xoài cao niên nhất miền Tây.
Cây xoài 300 tuổi được Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu bảo quản - Ảnh: T.T.PH
|
Cây xoài trên thuộc sở hữu của gia đình ông La Văn Lự (ấp Biển Tây B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu), thân cây 6 người ôm không giáp. Gốc và da xoài sần sùi, rễ uốn như lượn sóng ẩn hiện trên mặt đất.
Cây cao khoảng 15 m, có hàng trăm cành nhánh lớn nhỏ bao phủ diện tích rộng cả trăm mét vuông. Khác với các giống xoài khác thường trổ hoa ra trái vào mùa khô, cây xoài cổ thụ này lại ra hoa vào mùa mưa. Dù thời điểm ra hoa bất lợi như vậy, nhưng mùa nào cũng đậu trái lủng lẳng khắp cành nhánh. Trái xoài cổ thụ có vị thơm, ngọt, khi chín có màu vàng ánh.
Theo ông Lự, Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu đã đưa cây xoài cổ thụ này vào danh mục bảo tồn. Gần đây, có nhiều người từ khắp nơi đến hỏi mua với giá khá cao, nhưng gia đình nhất quyết không bán “bảo vật” của cha ông để lại. “Có người sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để được sở hữu cây xoài cổ thụ với thiện chí là sẽ hái trái bán cho du khách, lấy tiền giúp đỡ người nghèo ở địa phương”, ông Lự cho biết thêm.
Theo các lão nông sinh sống ở Giồng Nhãn, đây là cây xoài cao tuổi lớn nhất ở khu vực ĐBSCL. Mặc dù được trồng cách đây hàng trăm năm, nhưng hiện cây vẫn xanh tốt, năm nào cũng đơm bông kết trái rất say. Ngành chức năng đã cho xây bờ rào bảo vệ và láng gạch quanh thân cây để tạo thuận lợi cho du khách tới tham quan.
Do nằm ngay trong khu du lịch sinh thái vườn nhãn cổ, nên cây xoài 300 tuổi đã trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với du khách mỗi khi có dịp đến Bạc Liêu.
Ông Võ Hồng Ngoãn, người mệnh danh là “vua tôm” ở Bạc Liêu, nói rằng sau khi được dẫn đi xem cây xoài 300 tuổi, nhiều bạn bè của ông ở TP.HCM cho biết họ rất hạnh phúc, bởi vừa được ngắm vừa được “hưởng lộc” (ăn trái) của cây xoài cổ thụ có một không hai này.
Ông Ngoãn đã đề nghị chính quyền địa phương khẩn trương xây dựng thương hiệu độc quyền về “Cây xoài 300 tuổi Bạc Liêu”; đồng thời ngỏ ý muốn tham gia đấu giá sở hữu cây xoài cổ thụ để đầu tư bảo quản, chăm sóc nhằm kéo dài tuổi thọ cho cây, phục vụ du khách.
“Khi đã xây dựng được thương hiệu cây xoài 300 tuổi, có thể bán mỗi trái với giá 40-50 ngàn đồng du khách cũng sẵn sàng mua. Số tiền trên một phần dùng để làm chi phí bảo quản, chăm sóc cho cây; phần còn lại mang đi giúp đỡ người nghèo”, ông Ngoãn đề xuất.
Trần Thanh Phong
Nguồn từ thanhnien online
Chờ bài mới.
Trả lờiXóawom, cụ xoài này sống thọ quá,nhìn thấy vẫn còn đầy sức sống, đời người sống được bao nhiêu tuổi nhĩ???
Trả lờiXóa